Mới đây, Tencent xác nhận một giải đấu Liên Quân cấp độ quốc tế sẽ được tổ chức để thay thế AWC 2020 đã bị huỷ. Điều đáng nói ở đây sẽ là giải đấu lớn được thi đấu dưới hình thức trực tuyến.
Ngoài những quy trình về việc lựa chọn số lượng cũng như chất lượng các đội tham gia, Tencent chắc chắn đang phải đối mặt với rất nhiều bài toán hóc búa. Điều này đã và đang xảy ra với hàng loạt tựa game khác, cả trên PC lẫn Mobile.
- Valve âm thầm tung ra phiên bản Steam Alpha dành riêng cho thị trường Trung Quốc
- Fan hâm mộ soi dự án game mobile mới của NetEase, bối cảnh tương lai không khác gì Cyberpunk 2077
Trực tuyến (Online) là cách Esports vẫn sống giữa đại dịch COVID-19
Khi đại dịch COVID-19 bùng nổ trên toàn cầu, để đảm bảo sức khoẻ cho tất cả cộng đồng, các giải đấu Esports buộc phải tạm hoãn bởi khả năng tiếp xúc gần khi thi đấu chung nhà thi đấu là quá lớn. Điều này dẫn đến những phương án “chữa cháy” xuất hiện, một trong số đó là thi đấu trực tuyến.
Đó là câu chuyện đã diễn ra với những giải đấu “có thể” thi đấu trực tuyến để đảm bảo chất lượng game đấu không ảnh hưởng quá nhiều tới kết quả cuối cùng.
Lần lượt các giải đấu lớn trong và ngoài Việt Nam đã chuyển sang hình thức thi đấu trực tuyến theo cách để hai đội thi đấu tại Gaming House của mình. Sau này, khi đại dịch COVID-19 có phần được kiểm soát, các giải đấu được tổ chức tại nhà thi đấu trở lại nhưng ép buộc một loạt quy định nghiêm ngặt như cấm khán giả tới theo dõi hay hạn chế tối đa người xuất hiện ở địa điểm tập trung.
Trực tuyến (Online) chính là lời giải ngắn hạn cho các giải đấu buộc phải diễn ra mà chỉ Esports thực hiện được. Câu hỏi được đặt ra là khi hình thức này áp dụng với các giải đấu quốc tế, thậm chí liên lục địa thì những khó khăn, rào cản nào đang chờ đón?
Đường truyền mạng
Một trong những khó khăn lớn đầu tiên mà ai cũng nghĩ đến đối với các giải đấu Online là đường truyền. Không chỉ quốc tế, ngay cả các giải đấu diễn ra trong nước, khi các tuyển thủ chơi chung một máy chủ thì các vấn đề đường truyền vẫn liên tục xuất hiện.
LEC Mùa Xuân 2020 vòng playoffs ngốn tới gần 3 tiếng đồng hồ chỉ để giải quyết các vấn đề về đường truyền. Trận chung kết VCS vừa qua giữa Team Flash và GAM Esports cũng mất rất nhiều thời gian chỉ để các đội báo cáo và tìm cách giảm giật lag một cách triệt để nhất. Nếu không giải quyết hoặc tìm ra phương án tối ưu, một giải đấu Online quốc tế sẽ ngốn của khán giả và ban tổ chức rất nhiều thời gian để sửa đường truyền – một chuyện khó có thể chấp nhận.
Kiểm soát nhân sự các đội
Ở các giải đấu Esports tổ chức tại nhà thi đấu, đôi lúc các vấn đề liên quan tới cá nhân lại khiến trận đấu bị tạm hoãn lại. Đó là các vấn đề về: Tai nghe, nhu cầu cá nhân, lỗi bug trong game xuất hiện hay đơn giản như một tuyển thủ… làm đổ cốc nước vào dụng cụ thi đấu của anh ta. Tất cả đã từng xuất hiện và chẳng ai dám chắc nó không diễn ra đối với các giải đấu trực tuyến thêm một lần nữa.
Một câu chuyện khác có liên quan tới các tuyển thủ là việc ban tổ chức buộc phải có hình thức kiểm soát người thi đấu. Trình độ tuyển thủ ở các game là không giống nhau, và đôi lúc điều đó xảy ra tình trạng “gian lận” người thi đấu trong đội. Giả sử giải đấu về game Mobile nào đó diễn ra, trận đấu thì vẫn tiếp tục nhưng camera kiểm soát người thi đấu thì đột ngột tắt. Nếu điều đó xảy ra thì liệu BTC sẽ phải làm gì để tăng cường khả năng giám sát các đội?
Có một cách để giảm thiểu điều này là tập trung các đội tuyển cùng 1 đất nước hoặc 1 khu vực tại địa điểm thi đấu nhất định. Những trận đấu cuối cùng của ĐTDV Mùa Xuân 2020 thi đấu theo hình thức này và vẫn như vậy cho đến hết trận chung kết vào chủ nhật tới đây. Mid-Season Cup tổ chức giữa LPL và LCK cũng sẽ tập trung các đội tham dự tại hai địa điểm khác nhau ở Hàn Quốc và Trung Quốc. Các vấn đề về di chuyển, sắp xếp vị trí thi đấu sẽ là bài toán mà BTC cần giải nếu tổ chức thi đấu Online theo cách này.
Khán giả – gia vị của những trận đấu hấp dẫn
Khán giả chỉ có một cách duy nhất để theo dõi các trận đấu Esports ở các giải trực tuyến là xem qua internet. Đây thực sự là điều thiệt thòi cho các game thủ – những người luôn tỏ ra hạnh phúc trước hàng trăm nghìn người với mỗi chiến thắng.
G2 Perkz từng chia sẻ rằng anh cảm thấy thi đấu trận chung kết LEC theo kiểu Online thì chẳng có cảm xúc gì cả. Giống như các môn thể thao khác, khán giả là một trong những gia vị cần thiết của những trận đấu hấp dẫn. Vậy xử lý ra sao? Ban tổ chức các giải Esports có lẽ nên học hỏi cách làm của bóng đá.
Tại Bundesliga, người ta đã và đang đề xuất những cách thức để cầu thủ thi đấu ở sân không khán giả mà lại… như có khán giả trên khán đài. Đầu tiên, họ cho những hình nộm khán giả sắp xếp vào các vị trí thi đấu. Trông thì kỳ cục nhưng đây là cách mà LCK Mùa Xuân 2020 đã làm để khi lên sóng thì nhà thi đấu… trông náo nhiệt hơn.
Bước tiếp theo vẫn đang trong quá trình bàn bạc là các nhà tổ chức bóng đá đang lên kế hoạch để đưa các thiết bị âm thanh trực tuyến lên khán đài. Hiểu nôm na là bạn sở hữu một ứng dụng trực tuyến, nơi mà bạn vừa xem bóng đá qua màn hình mà lại có thể chọn những âm thanh xuất hiện ở sân đấu.
Càng nhiều người tương tác thì âm thanh càng to và rõ. Đây là phương án vô cùng thú vị nhưng chắc chắn Esports muốn làm được điều này cần rất nhiều thời gian. Cách nhanh nhất là để một người chuyên phụ trách âm thanh làm những chuyện này. Nếu trước đại dịch, chuyện này thật điên rồ nhưng giờ, nó lại là cách hay nhất để giúp các địa điểm thi đấu đỡ buồn tẻ.
Lời kết
Esports đã sống xót giữa đại dịch bởi đây là bộ môn thể thao không cần phải gặp mặt nhau để thi đấu. Khi đại dịch chưa biết khi nào được kiểm soát thì người hâm mộ chỉ còn biết ngóng chờ vào các giải đấu trực tuyến trên toàn thế giới.
Ban tổ chức sẽ luôn gặp vô vàn khó khăn để tổ chức một sự kiện Esports trực tuyến thành công. Hãy công bằng với họ và thưởng thức hương vị của Esports một cách thoải mái vào lúc này.
XEM THÊM: Công chúa Ciri có thể sẽ trở thành nhân vật chính trong tựa game The Witcher sắp tới