Một tháng 10 nữa lại đến. Tháng của mùa thu, của thủ đô, của phụ nữ, của Halloween… Đó là với những người bình thường. Còn chúng ta, những tín đồ của Liên Minh Huyền Thoại, tháng 10 còn là tháng của Chung Kết Thế Giới, giải đấu quy tụ tất cả những gì tinh túy nhất từ khắp mọi châu lục, đích đến mơ ước của mọi tuyển thủ, và là khoảnh khắc người hâm mộ được cháy hết mình cùng đội tuyển yêu thích.

Có một sự thật hơi phũ phàng, dù đã trải qua một vòng khởi động khá thú vị, phần đông sẽ nhất trí rằng, CKTG chỉ thực sự bắt đầu kể từ vòng bảng. Đó mới chính là lúc chúng ta nhận ra, mọi sự đánh giá, dự đoán trước đó đều chỉ mang tính chất tham khảo. Sau đây là năm câu hỏi lớn đang chờ được giải đáp kể từ ngày 12/10 tới.

1. Người Hàn đang ở đâu?

Quay về thời điểm Samsung Galaxy lên ngôi vô địch CKTG 2017, nếu như có một ai đó lên facebook và nói như đinh đóng cột rằng, Hàn Quốc sẽ không thắng bất cứ giải đấu quốc tế nào trong vòng hai năm tới (dẹp cái Rift Rivals sang một bên), chắc hẳn tài khoản của người này sẽ bị report đến bay màu mất. Kể cả hiện tại khi nhắc lại, nhiều người vẫn cảm thấy thật khó tin, mặc dù mọi thứ đã thực sự diễn ra như vậy.

Triều đại của người Hàn vẫn chưa kết thúc khi Uzi nâng cao chiếc cúp vô địch MSI 2018, bởi Faker với vị tướng bất khả chiến bại LeBlanc cũng đã từng gục ngã dưới chân Edward Gaming cách đó 3 năm. Thứ đã thực sự đặt dấu chấm hết ấy là một cú đánh thường, hay cụ thể hơn là pha vung chiếc búa thợ rèn định mệnh của Ornn trong tay Licorice, cướp cả con Baron lẫn hy vọng lội ngược dòng của Afreeca Freecs tại trận tứ kết năm ngoái. Ngày 21/10/2018 đánh dấu một bất ngờ được ghi vào lịch sử: Lần đầu tiên kể từ năm 2012, không còn một đội tuyển Hàn Quốc nào góp mặt tại bán kết của Chung Kết Thế Giới.

Khởi đầu năm 2019 với một sự kỳ vọng rất cao, khu vực LCK trình làng hai “lính mới” đầy triển vọng, một “con điểu sư” lớn nhanh như thổi (Griffin) và đặc biệt, một “dải ngân hà” đúng nghĩa (giờ là T1). Nhưng rồi, đội hình toàn sao ấy ghi vào sử sách với danh hiệu “nhà chính nổ nhanh nhất”, thua tâm phục khẩu phục quán quân G2 Esports trong một trận Bo5 vốn luôn được coi là sở trường.

Mang đến châu Âu ba con “át chủ bài” mạnh nhất có thể, nhưng người Hàn thực sự đang ở đâu trên bản đồ LMHT thế giới?

Từ khi bắt đầu sự nghiệp, Faker chỉ bỏ lỡ CKTG hai lần. Nhưng thú vị là, cả hai lần đều được tổ chức tại Hàn Quốc, nên xét về mặt địa lí thì anh vẫn có mặt. Ở tất cả những lần khác, anh đều đến được tới trận đấu cuối cùng. Faker của hiện tại mang trên vai những kỳ vọng lớn lao, nhưng đừng nghĩ rằng áp lực đó sẽ ảnh hưởng nhiều đến màn trình diễn của anh. Một năm vắng bóng và ba năm kể từ chức vô địch gần nhất, sẽ chẳng có gì đáng sợ hơn khi “Quỷ Vương” đói bụng.

Griffin chia tay huấn luyện trưởng ngay trước giải, còn Damwon Gaming nhẹ nhàng vượt qua vòng khởi động nhưng cũng bộc lộ nhiều yếu điểm. Nhắc lại một lần nữa, Hàn Quốc đã không thắng giải quốc tế nào trừ Rift Rivals trong hai năm vừa qua. Dù vậy, tất cả những điều đó vẫn chưa đủ để bất cứ chuyên gia nào, đội tuyển nào dám coi thường họ.

Cơ hội để cả ba đội LCK lọt vào tứ kết thực ra không cao, nhưng cũng không hề thấp. Để trả lời cho câu hỏi đầu tiên, người Hàn sẽ phải tự đứng lên, tìm lại vị trí xứng đáng thuộc về mình.

2. Cơ hội nào cho Bắc Mỹ?

Thiếu may mắn. Đó là cụm từ được người hâm mộ LMHT Bắc Mỹ nhắc đến nhiều nhất những ngày qua về kết quả bốc thăm vòng bảng.

“Tôi cảm thấy như thể mình đã vượt qua vòng bảng rồi vậy!” – Doublelift hào hứng sau khi nhìn thấy ahq eSports Club và Invictus Gaming xuất hiện. Vậy thì không rõ liệu anh sẽ thấy thế nào với việc đối thủ cuối cùng là Damwon Gaming? Đây thực chất là một bảng đấu không quá khó, nhưng cũng rất nguy hiểm. Chẳng ai biết nhà đương kim vô địch thế giới sẽ thể hiện bộ mặt nào của đồng xu, những chàng trai trẻ người Hàn có giấu bài ở vòng khởi động hay không, và ẩn số LMS tác động vào bảng đấu ra sao.

Nói thì nói vậy, nhưng với tư cách là “đội hình mạnh nhất trong lịch sử LCS”, việc Team Liquid một lần nữa bị loại sớm vẫn sẽ được coi như thất bại. Nếu điều đó xảy ra, chẳng có gì đảm bảo ngọn lửa quyết tâm trong Doublelift sẽ còn tiếp tục rực cháy thêm nữa, khi năm nay anh đã bước sang tuổi 26.

Credit: Riot Games
Team Liquid

Trái ngược lại với quán quân LCS là đội á quân Cloud9. Nhiều năm qua, fan hâm mộ đội tuyển này luôn tự hỏi, liệu mình có nên đặt kỳ vọng hay không? Ấy thế mà bằng một cách nào đó NASA vẫn chưa thể lí giải, họ hầu như luôn lọt vào tứ kết bất chấp bảng đấu có khó cỡ nào. “Niềm hy vọng cuối cùng của Bắc Mỹ” đã trở thành một meme nhiều năm qua, nhưng thực chất điều đó chưa bao giờ là dễ dàng với C9, và năm nay cũng không ngoại lệ. Họ là một đội tuyển mạnh với nhiều ưu điểm, nhưng vượt qua G2 Esports và Griffin sẽ cực kỳ khó khăn. Và cũng giống như mọi năm, sẽ chẳng phải điều gì đó quá tồi tệ nếu Sneaky cùng đồng đội không thể tiến xa.

Huni đã được thỏa ước nguyện gặp hai đội tuyển cũ của mình, nhưng có lẽ giờ thì fan của Clutch Gaming chỉ muốn nói: “Ước gì được bốc thăm lại!”. Vào một ngày đẹp trời nếu nhìn thấy CG vượt qua bảng đấu này, chúng ta nên tự tát mình vài cái cho tỉnh ngủ.

3. Tử thần gọi tên ai?

Trong một vũ trụ song song khác, chúng ta hoàn toàn có thể thấy T1, Royal Never Give Up và Fnatic cùng góp mặt tại bán kết. Đôi khi chỉ là những lá thăm định mệnh, nhưng vẫn thật điên rồ khi chúng đưa ba ứng cử viên vô địch vào chung một bảng thế này (không có mấy ông đâu Clutch).

Mặc dù kết cục này đối với họ không được may mắn cho lắm, nhưng khán giả thì ngược lại. Chúng ta sẽ có cơ hội tận hưởng những ván đấu đỉnh cao, mãn nhãn, căng thẳng ngay từ những ngày đầu tiên. Đã có nhiều lần các ứng cử viên vô địch khởi đầu khá chậm chạp, dẫn đến mất điểm ở vòng bảng, nhưng điều đó tuyệt đối không nên xảy ra với cả ba đội này (vẫn chưa có mấy ông đâu Clutch). Bất kỳ một cú vấp ngã nào cũng sẽ phải trả giá cực kỳ đắt.

Hãy chú ý tới đường dưới khi theo dõi các trận đấu này. Uzi, Rekkles, Teddy và Cody Sun (lần này thì có Clutch rồi đó) cùng góp mặt trong một bảng được đánh giá là khó nhất trong lịch sử CKTG. Tử thần sẽ gọi tên ai (và Clutch)? Chỉ có thời gian mới trả lời được.

4. GAM liệu có làm nên lịch sử?

Chưa bao giờ Bang lại đẹp trai như thế. Bàn tay ấy như thể đã bật lên một bài nhạc quẩy tưng bừng của Khá Bảnh, chỉ chờ GAM nhảy theo mà thôi.

Nói một cách nghiêm túc, ngoài FunPlus Phoenix tỏ ra khá vượt trội, cơ hội giành tấm vé còn lại được chia đều cho cả GAM, J Team lẫn Splyce. Đương kim vô địch LMS mới lần đầu tiên góp mặt tại CKTG, hứa hẹn sẽ là một ẩn số khó lường, đặc biệt trong hoàn cảnh đây là giải đấu quốc tế cuối cùng họ tham dự với tư cách một khu vực độc lập. Mặc dù khá vất vả mới vượt qua vòng khởi động, đội chủ nhà Splyce cũng cho thấy những tín hiệu tích cực trong lối chơi và tiềm năng.

Tiếp tục nghiêm túc, đây vẫn là bảng đấu “mềm” nhất có thể dành cho quán quân VCS mùa hè 2019. Chưa bao giờ người hâm mộ cảm thấy giấc mơ tứ kết lại gần thế này, với một đội hình trẻ trung, đồng đều, tài năng và không ngoa khi nói, mạnh nhất trong tất cả các đại diện Việt Nam tham dự giải quốc tế từ trước tới giờ.

Vấn đề lớn nhất đối với GAM Esports hiện tại chỉ là kinh nghiệm và tâm lý của những chàng trai trẻ lần đầu bơi ra biển lớn – Kiaya, Zin và Hieu3. Chúng ta đã thấy áp lực đặt lên vai Hani, DNK hay Artifact lớn thế nào, và nó sẽ còn lớn hơn nữa với GAM. Họ đang nắm trong tay cơ hội chứng minh sức mạnh của VCS và đưa Việt Nam vươn lên trở thành một khu vực lớn. Hãy cứ chơi đúng sức, đúng theo cách của riêng mình, chắc chắn GAM sẽ làm nên lịch sử.

5. Những bất ngờ “điên rồ” nào sẽ xảy ra?

Có thể nói, CKTG 2019 là giải đấu hấp dẫn nhất trong lịch sử. Với sự vươn lên của phương Tây trong năm vừa qua, chẳng có bảng đấu nào mà chúng ta chọn được hai đội mạnh nhất một cách rõ ràng cả. Nhưng cũng vì thế mà những bất ngờ sẽ ít xảy ra hơn, tùy thuộc vào cách mỗi người định nghĩa từ “bất ngờ” như thế nào.

Đơn cử như bảng A, giữa G2, C9 hay Griffin, dù đội nào thắng, đội nào thua, đội nào đi tiếp, đội nào về sớm, với phần đông khán giả, dù có bất ngờ thật nhưng cũng chẳng thế gọi là “điên rồ”. Điều tương tự cũng xảy ra với ba bảng còn lại (bảng B với GAM, J Team, Splyce; bảng C tất nhiên là T1, Fnatic, RNG; còn bảng D không gì khác ngoài Liquid, IG, Damwon). Mọi chuyện chỉ khác khi đội còn lại của mỗi bảng vào cuộc.

Một cú sảy chân trước Clutch sẽ khiến số phận của T1, RNG hoặc Fnatic đứng trước nguy cơ “lạc trôi đi xa lắm”. Hay chỉ một chiến thắng trước FunPlus thôi có khi cũng đủ để một trong ba đội còn lại của bảng B bứt phá. Nên nhớ, trong các ván đấu Bo1, chẳng có chuyện gì là không thể xảy ra cả. Lịch sử đã chứng minh quá nhiều lần rồi.

Hãy cùng chờ tới ngày 12/10 để dần dần tìm ra câu trả lời nhé!

Tyra/One Esports