Vòng bảng của CKTG 2019 đã đi qua một phần tư chặng đường. Mặc dù bất ngờ xuất hiện vẫn chưa nhiều, người hâm mộ cũng đã được hòa mình vào những trận đấu mãn nhãn, gay cấn với chất lượng chuyên môn ở đẳng cấp cao nhất.

Ba đội chủ nhà có khởi đầu khá tốt với tổng thành tích 3 thắng 1 thua. Đương kim vô địch thế giới Invictus Gaming cũng chứng minh bản lĩnh của mình, giành 2 điểm tuyệt đối sau hai trận. Nhưng ấn tượng nhất chắc chắn phải là quán quân LCK mùa hè 2019, SK Telecom T1. Rơi vào bảng đấu được đánh giá là khó nhất trong lịch sử CKTG, nhưng Faker cùng đồng đội đã xuất sắc đánh bại cả hai đối thủ cạnh tranh trực tiếp nhờ lối chơi thông minh, phong độ cao của các thành viên, và đặc biệt là khả năng cấm chọn tuyệt vời từ đội ngũ huấn luyện.

Câu trả lời hoàn hảo cho Garen – Yuumi

Ngay ở trận khai mạc vòng bảng, T1 đã phải chạm trán chủ nhà Fnatic, đội tuyển được rất nhiều chuyên gia đánh giá ngang ngửa G2 Esports. Á quân LEC mùa hè 2019 nổi tiếng với lối chơi nhanh, dị và nhiều miếng đánh đa dạng từ những cấp độ đầu tiên, có thể gây bất ngờ khiến đối thủ không trở tay kịp. Bộ đôi cực kỳ khó chịu Garen – Yuumi cũng đã gần như đạt cảnh giới cao nhất khi được sử dụng bởi Rekkles – Hylissang. Tuy nhiên, hãy cùng xem cách T1 khắc chế bộ đôi này như thế nào.

Ba lượt cấm ban đầu của mỗi bên có một vài chú ý nhỏ. Thứ nhất, Broxah là một người đi rừng tấn công rất mạnh mẽ, nhưng điểm yếu nằm ở lượng tướng có phần hạn chế. Tầm ảnh hưởng của anh trong giai đoạn đầu sẽ rất lớn nếu nắm trong tay một vài tướng tủ, mà Elise là một trong số đó. Tự cấm đi Nữ Hoàng Nhền Nhện đồng nghĩa Fnatic phải cố gắng lấy sớm cho Broxah một tướng thuận tay khác.

Thứ hai, T1 tỏ ra rất tôn trọng đối thủ khi cấm đi Twisted Fate, vị tướng làm nên thương hiệu của Nemesis, và Syndra, pháp sư được Rekkles luyện tập rất nhiều trong xếp hạng đơn. Thứ ba, T1 thực hiện bước đầu tiên trong việc thiết lập “cạm bẫy” của mình khi thả Yuumi, con bài mà họ gần như luôn luôn cấm ở LCK mùa hè 2019.

Động thái này của T1 khiến Fnatic buộc phải lựa chọn, hoặc là lấy sớm tướng rừng cho Broxah, hoặc tước đi Akali, vị tướng cả Faker, Khan lẫn Nemesis đều chơi cực tốt. Nhưng họ lại quyết định pick Yuumi đầu tiên, điều theo người viết là một sai lầm lớn. Lí do là vì phong cách chơi thường thấy của T1 không phát huy được thế mạnh của Yuumi nên rất ít có khả năng họ sẽ cướp vị tướng này. Hơn nữa, việc T1 cố tình thả Yuumi trong khi từng cấm liên tục ở LCK chứng tỏ họ đã có sự chuẩn bị và chỉ chờ đối thủ cắn câu mà thôi.

Zefa thực sự là một con “cáo già” trong khâu cấm – chọn của T1
Ảnh: Newtalk

“Đặt bẫy” thành công, T1 không ngần ngại khóa ngay vào Akali và Lee Sin, tước đi thêm một lựa chọn thuận tay khỏi Broxah. Và ở lượt tiếp theo, quán quân LCK “mở xích” cho “lá bài tẩy” của mình – Kayle đường dưới. Với điểm then chốt Đạo Tặc, vị tướng này có thể thoải mái farm và kiếm tiền mà hầu như không bị đe dọa bởi Garen – Yuumi. Bất Tử Hộ Thân cũng khắc chế rất tốt chiêu cuối Garen.

Ở thời điểm này Fnatic chưa thể đoán được Kayle và Akali sẽ đi đường nào, nên họ vẫn phải cấm khắc chế cứng của Garen là Vayne. Còn T1 đương nhiên sẽ cấm tiếp hai tướng rừng nữa, ép Broxah vào một lựa chọn ít thuận tay hơn là Rek’Sai. Việc Fnatic quyết định chọn Ryze cho Nemesis nhằm mục đích đẩy lính và can thiệp ở đường dưới cũng vô tình giúp kế hoạch của T1 được thực hiện dễ dàng hơn.

Tristana hoàn tất lượt cấm chọn xuất sắc cho T1, mang lại khả năng đẩy lính, phá trụ cùng một lượng sát thương theo thời gian lớn để công phá các mục tiêu, cũng như hạ gục Garen ở giai đoạn sau. Trong khi đó, đội hình của Fnatic rất khó để đẩy trụ nếu không có Sứ Giả.

Với Tristana đường giữa và Kayle – Nautilus đường dưới, về lý thuyết T1 có hai đường thua ở giai đoạn đầu, nhưng mọi thứ đã được giải quyết bởi một pha xâm lăng rừng từ cấp độ 1. Cả Garen, Ryze lẫn Rek’Sai đều chẳng có gì để giao tranh khi mới chỉ có một chiêu thức cả, vì vậy dù không cướp được bùa đỏ, T1 vẫn dễ dàng chiến thắng, đặc biệt lấy Tốc Biến của Broxah khiến anh không thể gây áp lực từ sớm, đồng thời còn nhường được Chiến Công Đầu cho Faker. Kết quả trận đấu gần như đã được định đoạt sau pha thi đấu này.

Lấy độc trị độc

Không ngoa khi nói, Faker và Uzi là cặp kỳ phùng địch thủ nhiều duyên nợ nhất trong lịch sử LMHT chuyên nghiệp. Kể từ năm 2013 đến nay, cứ khi nào cả hai cùng góp mặt tại CKTG, họ đều chạm trán nhau và kẻ thất bại luôn là xạ thủ người Trung Quốc. Năm nay, trong lần đầu tiên đụng độ tại vòng bảng, cả hai đã cống hiến một trận đấu đỉnh cao từ đầu tới cuối với những giao tranh nảy lửa, những tình huống di chuyển và đọc bản đồ cực kỳ “nhức não”, đặc biệt là pha kêu gọi đẩy nhà đem lại chiến thắng tuyệt vời cho T1. Nhưng trước tiên vẫn phải nhắc đến giai đoạn cấm chọn, nơi chúng ta chứng kiến thêm một lần nữa, cái bẫy mà T1 giăng ra mang lại thành quả như thế nào.

Nói qua một chút về lối chơi của Royal Never Give Up. Họ giống như “Diệp Vấn” phiên bản LMHT, thành danh với chỉ một “miếng võ” duy nhất – đánh xoay quanh đường dưới. Điều đó không có nghĩa họ không biết đa dạng chiến thuật, nhưng khi trong đội có một xạ thủ khủng khiếp như Uzi, tất cả những gì RNG cần làm chỉ là vỗ béo anh chàng này mà thôi. RNG hầu như luôn luôn chơi như vậy, và họ đã thuần thục đến mức dù đối thủ có là ai, bắt bài họ như thế nào cũng không quan trọng.

Vị trí đường trên của RNG vì thế luôn trở thành một mục tiêu bị khai thác. Nắm bắt được điều này, những vị tướng có khả năng trụ đường, độc lập tác chiến thường rất được họ ưu tiên, ví dụ như Aatrox, Gangplank, hay đặc biệt trong trận đấu này là Mordekaiser. Tuy nhiên, đây lại chính là những gì T1 chờ đợi.

Khóa vào Renekton ở ngay lựa chọn đầu tiên và sau đó là cả Gragas và Thresh với hàng tấn hiệu ứng khống chế, T1 đã để ngỏ ý định đánh thẳng vào đường trên. Xác định vẫn sẽ phục vụ Uzi, RNG chọn cho Langx Mordekaiser, có thể tự bảo vệ bản thân cực kỳ tốt trong các tình huống bị số đông kẻ địch băng trụ bằng chiêu cuối của mình, đồng thời hỗ trợ đồng đội khi bị đối phương áp sát trong giao tranh. Hai lựa chọn cuối cùng của T1 càng khiến RNG tin rằng mình đã có một giai đoạn cấm chọn thành công, đó là một xạ thủ an toàn và một tướng đường giữa gank mạnh. Nhưng bước vào trận đấu, mọi thứ đã không diễn ra như dự định.

Đầu tiên, Faker cực kỳ tinh quái khi không mua trang bị cho Twisted Fate theo hướng xạ thủ đang hot thời gian gần đây, mà quyết định theo hướng pháp sư truyền thống. Với cách mua đồ này, tốc độ dọn lính của TF sẽ nhanh hơn đáng kể, đồng nghĩa có nhiều khoảng trống di chuyển hơn và cũng ít bị ép vào trụ bởi Zoe hơn. Về cuối trận sát thương lên trụ sẽ nhiều hơn với Song Kiếm Tai Ương.

Thứ hai, T1 không hề tập trung đánh ở đường trên, mà “lấy độc trị độc” chơi sòng phẳng với RNG ở đường dưới luôn. Thậm chí họ mới là người “nổ phát súng đầu tiên” với chiêu cuối của Faker. RNG phản ứng tốt như thường lệ, nhưng do chơi Zoe nên Xiaohu không thể xuống hỗ trợ đủ nhanh để mang về nhiều lợi thế hơn cho đội.

Một tình huống khác ở phút 11 cho thấy T1 nắm trong tay quyền chủ động và tận dụng nó tốt như thế nào. RNG kéo cả Xiaohu và Karsa xuống đường dưới hòng uy hiếp trụ nhưng không thành công. Faker thay vì di chuyển xuống hỗ trợ hoặc phản công nếu cần, lại Dịch Chuyển ra đường giữa đẩy nhanh đợt lính vào trụ, ép Xiaohu phải trở về phòng ngự. Đó mới là lúc T1 phát động tấn công bằng Con Đường Tăm Tối của Effort kéo Clid tiếp cận Uzi – Ming, và cả chiêu cuối của Faker kết liễu pha gank thành công mỹ mãn.

Cuối cùng, vấn đề của RNG ở giai đoạn giữa và cuối trận nằm ở Mordekaiser, một vị tướng không mạnh khi đẩy lẻ do thiếu cơ động, cũng không có khả năng Dịch Chuyển bọc hậu. Đội hình RNG về cơ bản rất hạn chế công cụ ép giao tranh ngoài những cú kéo của Ming và Bóng Ngủ của Xiaohu, vì vậy họ không hề có lời giải khi T1 chia lẻ đội hình ra đẩy hai cánh. Langx không ít lần bị bắt bởi Khan và Faker với chiêu cuối, khiến đợt tấn công của RNG bị gián đoạn. Những tình huống di chuyển, đẩy trụ và tiến lùi cực kỳ thông minh của T1 ở nửa sau trận đấu là minh chứng cho sự hiệu quả của cái bẫy Mordekaiser mà họ giăng ra.

Nói đi cũng phải nói lại, T1 đã có một vài phút bị sa đà vào các pha giao tranh với RNG. Việc Clid liên tục bắt được Uzi củng cố niềm tin cho họ, nhưng từ lúc “Cún con” hoàn thành Khăn Giải Thuật, T1 không thể làm điều đó lần nào nữa. RNG đánh giao tranh quá xuất sắc, đặc biệt là bộ ba Uzi – Karsa – Xiaohu. Đại diện Trung Quốc liên tiếp thắng lợi và có những lúc tưởng như họ đã nắm trận đấu trong tay. May mắn là T1 đã thức tỉnh kịp thời, điều chỉnh lối chơi và bám sát điều kiện thắng của mình hơn, không cho RNG bất cứ cơ hội nào nữa.

Ở lượt trận cuối, T1 chỉ phải gặp Clutch Gaming, đội đã thua cả hai trận đầu. Với phong độ và khả năng cấm chọn tốt như thế này, gần như chắc chắn Faker cùng đồng đội sẽ kết thúc lượt đi vòng bảng với thành tích toàn thắng.

Tyra/One Esports

XEM THÊM: 5 câu hỏi lớn trước thềm vòng bảng CKTG 2019