Mỗi game thủ chuyên nghiệp được sinh ra đều mang trong mình những tố chất nhất định, thứ giúp họ trở nên khác biệt so phần còn lại. Game thủ FPS nổi tiếng, Adil “ScreaM” Benrlitom được biết đến như một tay thiện xạ có khả năng chọn điểm nhắm siêu nhạy thời còn thi đấu Counter-Strike: Global Offensive (CS:GO).

Tuy nhiên, tài năng đã khiến anh tự “bắn vào chân” mình. ScreaM quá ưu tiên tạo điểm nhấn nổi bật thông qua internet mà quên mất hiệu quả mới là thứ thực sự đắt giá. Sau khi bị “đày ải” khỏi CS:GO, tuyển thủ người Bỉ đã tìm thấy cơ hội thứ hai cùng VALORANT. Anh như một đứa “trẻ sơ sinh” được làm lại cuộc đời, chẳng ai còn nhớ cái tên ScreaM và đây là lúc sống một “cuộc đời mới”.

Tài năng bẩm sinh

ScreaM ra mắt vào năm 2010 cùng Counter-Strike: Source và bùng nổ nhờ tài năng trời phú. Anh không bị đe dọa bởi người chơi giàu kinh nghiệm xung quanh, mà bước lên phía trước chỉ bằng những pha bắn headshot. Nếu rơi vào tình huống 1v1 thuần túy, rất khó để nghĩ đến viễn cảnh ScreaM nằm xuống.

Tuy nhiên, tuyển thủ người Bỉ không hài lòng và tiếp tục “si mê” tài năng của chính mình. Những “tay chơi” tầm cỡ như Freddy “KRIMZ” Johansson, Christopher “Get_RiGhT” Alesund hay Nicolai “dev1ce” Reedtz đã không thể khuất phục ScreaM. Ở cấp độ cao nhất, ScreaM thể hiện sự tự tin, chứng tỏ khả năng của mình thuộc top đầu Counter-Strike ngay từ phiên bản 1.6, Source và Global Offensive.



“Tai họa” và sự biến mất

Credit: HLTV

Có tài năng bẩm sinh, sự nghiệp của ScreaM cũng nổi bật và có tiềm năng trở thành “điều vĩ đại nhất” trong lịch sử CS:GO chuyên nghiệp. Vấn đề của tuyển thủ người Bỉ là anh không thể tiến triển quãng đường sự nghiệp, để rồi những pha headshot bị lấn át bởi những tiếng cười và chế giễu.

Tài năng khiến ScreaM trở nên tự tin thái quá và bỏ lỡ nhiều cơ hội tiến xa khi thi đấu cùng Titan, Epsilon Esports, Team Envy hay G2 Esports. Những khó khăn và áp lực bắt đầu bủa vậy ScreaM, anh không còn giữ được sự tự tin và khát vọng chiến đấu nữa.

Anh đánh mất chiến thắng trong các giải đấu đặc biệt lớn, chẳng hạn như Major. ScreaM từng chung đội với Richard “shox” Papillon và Kenny “KennyS” Schrub, hai trong số nhân vật vĩ đại nhất Counter-Strike nước Pháp. Những mất mát do chính đồng đội và tổ chức gây ra đã khiến năng lực cá nhân của anh bị phủ nhận và hình bóng anh cũng dần bị phai mờ. Mặc dù Fnatic đã trao cơ hội cho ScreaM vào năm 2018 nhưng anh đã bỏ đi vì không muốn mòn kiếp dự bị.

Khởi đầu mới

Credit: Team Liquid

Sau khi rời CS:GO chuyên nghiệp, ScreaM tham gia Twitch với tư cách là người sáng tạo nội dung và có một cuộc sống rất thoải mái. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi khi VALORANT xuất hiện. Tuyển thủ này đã tìm đến tựa game bắn súng của Riot Games và nhận ra bản năng sát thủ của mình chưa hề bị mai một.

Ban đầu, anh chơi cho đội tuyển nghiệp dư fish123 và nhanh chóng trở nên nổi bật. ScreaM tìm thấy sự hào hứng cùng các đặc vụ như Sage và Breach, cho phép anh hoạt động độc lập và tuyệt vời hơn khi sau đó Reyna xuất hiện. ScreaM và fish123 khi ấy là những người duy nhất có thể cạnh tranh với G2 Esports và FunPlus Phoenix, hai đội tuyển VALORANT mạnh nhất châu Âu.

Ngay sau khi nhận ra sự phóng khoáng của ScreaM, Team Liquid đã mua lại đội hình fish123, bao gồm cả tuyển thủ người Bỉ.

Thời thế có thể qua đi nhưng cơ hội thứ hai luôn xuất hiện. ScreaM đã bị “người cha” CS:GO ruồng bỏ và giờ đây anh đã có một ngôi nhà mới, một gia đình mới mang tên VALORANT. Dù tựa game này không giúp tài năng của anh được khai sáng nhưng nó đem đến tương lai hứa hẹn hơn, tiếp nối di sản mà anh gây dựng thời còn theo đuổi CS:GO.

XEM THÊM: VALORANT: Đội tuyển Guild Esports của Beckham bị xử thua do vi phạm điều cấm